Chia tay ấu thơ (kì 3)

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Lâm không đến, tôi và Hạ Quyên thì cùng đứng im lặng bên cạnh nhau. Chẳng ai nói với ai câu nào, ánh mắt thả vào sân trường thưa người. Tôi không biết cô bé cạnh tôi đang nghĩ gì.

Kì 3: Những Ngày Bình Yên


Một tuần sau thì Lâm nhận được thư hồi âm của Hạ Quyên, lớp trưởng lớp cô bé, một đứa con gái trông rất nghiêm nghị mang sang đưa cho nó. Vừa nhìn thấy tên người gửi, thằng Lâm mừng quýnh cả lên. Nó chạy ngay ra chỗ tôi giờ giải lao, hua hua lá thư trên cao:

- Đấy mày thấy chưa, Hạ Quyên rồi cũng bị tao chinh phục thôi.

Tôi không quan tâm tới mấy lời ba hoa của Lâm. Tôi chỉ đòi nó cho xem thư Hạ Quyên viết. Chữ cô bé thẳng hàng, ngay ngắn, chỉn chu. Tôi đưa tờ giấy lên sát mũi mình, có một mùi hương nhè nhẹ của trang giấy mới. Trong thư Hạ Quyên nói là có lẽ Lâm chính là người mà Hạ Quyên đã biết từ lâu. Hạ Quyên thích học Văn học và Lịch Sử, không thích học Toán và Vật Lí, nếu Lâm học giỏi những môn này thì lúc nào đó hãy giảng bài cho Hạ Quyên nhé. Tôi thở dài. Thằng Lâm kiểu gì cũng copy bài tập về nhà của tôi. Nếu cô bé muốn nó giảng bài cho thì chắc phải đợi tới nhiều năm tháng nữa. Và rồi ở cuối thư đột nhiên Hạ Quyên hỏi Lâm nó đã đọc quyển “Kiêu hãnh và Định kiến” của Jane Eyre chưa? Lâm nhìn tên cuốn sách rồi gãi đầu:

- Đây là quyển gì hả Khoa?


- Là tiểu thuyết đó. Nhà tao có, mày đọc không ?

- Thôi, tao bận lắm, mày đọc rồi kể lại cho tao nghe.

Tôi đã đọc cuốn sách này lâu rồi. Câu chuyện kể về tình yêu tuyệt đẹp giữa cô nàng Lizze có tính cách cương nghị , thẳng thắn và chàng quý tộc Darcy có cái nhìn đầy định kiến. Họ như hai thỏi nam châm bị hút vào nhau. Tôi liên tưởng tới Lâm và Hạ Quyên, có khi nào hai người không có điểm chung như vậy cũng sẽ bị hút vào nhau không ? Chắc là không đâu, tình yêu thời hiện đại chứ có phải vật lí ứng dụng đâu. Tôi lại giúp Lâm viết thư trả lời cho Hạ Quyên, mỗi lá thư qua đi qua lại, tôi biết thêm nhiều điều về Hạ Quyên, và tôi có cảm giác mình ngày càng dành nhiều tình cảm hơn cho cô bé.

Một hôm, giờ ra chơi, Lâm kéo tôi ra hành lang, nó bảo đã hẹn Hạ Quyên giờ ra chơi ra nói chuyện. Chưa bao giờ tôi đứng ở một khoảng cách gần như thế này với cô bé. Lâm kể chuyện cười cho Hạ Quyên nghe, cô bé cười rất tươi. Họ nói chuyện như thể tôi không hề có mặt ở đó. Tôi lặng lẽ nhìn Hạ Quyên, chợt nhớ tới hình ảnh cô bé mặc áo mưa vàng đứng đọc truyện tranh trước mái hiên trong một ngày mưa rào, trong bộ đồng phục đơn giản, nhìn cô ấy vẫn đáng yêu như ngày nào.
Chia tay ấu thơ (kì 3)
Theo như cái Phương chẩn đoán thì tôi không chỉ bị bệnh tương tư mà còn bị ngớ ngẩn nặng. Chẳng có ai lại đi giúp đỡ tình địch của mình như thế cả. Nó gán cho tôi những mỹ từ như “Cao thượng hão”, “Quân tử bại trận”. Tôi mặc kệ cái Phương cứ ngồi phàn nàn, leo lên giường trùm chăn nằm nghĩ. Nó không hiểu, tôi không muốn vì một đứa con gái mà làm mất đi tình bạn giữa tôi và Lâm. Dù thằng bạn tôi có khả năng thích nhiều cô gái cùng một lúc và với ai cũng tốt cả nhưng lần này tôi thấy nó có vẻ thích Hạ Quyên thực sự. Bằng chứng nó không làm quen thêm ai nữa dù trong lớp Hạ Quyên cũng có rất nhiều cô bé dễ thương. Đang miên mang suy nghĩ, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi:

- Khoa, con đưa Hạnh về nhà đi. Hôm nay mẹ em bận không đón được.

Tôi nhìn cái Hạnh “hột mít” rồi lại thấy thương cho cái xe đạp mới bơm của mình. Trên đường, tôi gò lưng đạp, còn con bé vẫn líu lo kể đủ thứ chuyện đằng sau xe. Tôi toát hết mồ hôi và thấy hơi xấu hổ vì có vài người đi qua tôi rồi quay lại cười khúc khích. Rồi đến chỗ đèn đỏ, tôi tự dưng thấy xe mình nhẹ hẳn đi. Tôi quay lại thì thấy cái Hạnh đã leo xuống từ lúc nào. Nó bảo tôi:

- Anh Khoa, anh không cần đèo em đâu, để em đi bộ cũng được.


Tôi nói thế nào nó cũng cương quyết không nghe. Thế là tôi cũng xuống xe, dắt bộ cạnh Hạnh. Tôi liền hỏi:

- Em vẫn chưa đi được xe đạp à?

Con bé gật đầu. Tôi nghĩ tới lời hứa với mẹ là sẽ kèm Hạnh đi xe đạp từ mấy tháng trước, thấy hơi xấu hổ vì vẫn chưa thực hiện được. Thôi, thà muộn còn hơn là chưa bao giờ, tôi nói:

- Từ mai anh sẽ kèm em đi xe đạp nhé.

Cái Hạnh vỗ tay đen đét, gật đầu sung sướng. Còn tôi dẫu biết việc dạy cái Hạnh đi được xe đạp là khó vô cùng nhưng vẫn sẽ cố gắng.

Lâm đã thân hơn nhiều với Hạ Quyên nhưng mỗi lần đi chơi nó vẫn rủ tôi đi cùng. Ba người đạp xe cùng nhau, nó và Hạ Quyên nói chuyện vui vẻ làm tôi thấy chạnh lòng nhưng chẳng biết làm sao. Nó cứ nhắc đi nhắc lại là cần tôi đi theo để nhỡ nó có nói gì sai tôi còn “chữa cháy” giúp. Mà tôi thấy nó có vẻ ăn nói rất linh hoạt, không cần gì đến tôi cả. Hạ Quyên vẫn vô tư ban tặng những nụ cười như xát muối trái tim tôi. Tôi vẫn len lén nhìn cô bé những lúc Lâm không để ý.

Một buổi chiều tan học, trời đổ cơn mưa rào bất chợt. Vì còn bận đi học thêm một ca nữa nên dù không mang theo ô dù gì tôi vẫn phải đội mưa chạy ra phía nhà gửi xe. Đang chạy thì dây giày tôi bị tuột, tôi dẫm lên dây giày và ngã oạch một cái. Nước bắn lên người tôi tung tóe. Tôi lúi húi cúi xuống buộc lại dây giày của mình, trong lòng thầm than trách cho mái tóc và cả cặp kính ướt nhèm nhẹp nước của mình. Rồi đột nhiên tôi không cảm thấy nước mưa lạnh buốt rơi lên đầu mình nữa, lại có bóng ai đó từ phía sau, tôi ngẩng đầu lên, dường như không tin nổi vào mắt mình. Hạ Quyên đang căng chiếc áo mưa vàng trên đầu che cho tôi. Cô bé nhìn tôi, mỉm cười rất nhẹ, rồi nhẹ nhàng đưa một bàn tay ra, ý bảo tôi đứng dậy. Tôi nắm lấy tay Hạ Quyên, ngại ngùng đứng lên và lúng túng nói:

- Ừm, cảm ơn ấy.

- Không có gì. Cậu cũng đi ra nhà xe à?

Tôi gật đầu và rồi tôi đưa tay đỡ hộ lấy áo mưa cho Hạ Quyên, tôi nói:

- Để mình giữ cho.

Thấy Hạ Quyên nhìn chăm chú những vết vùn bắn lên gấu quần mình, tôi thấy ngại quá. Rồi cô bé hồn nhiên nói:

- Vết bùn này bám chặt lắm, nếu mà không giặt sạch được thì cậu lấy bàn chải đánh vào nó sẽ trôi đi hết.

Tôi ngỡ ngàng, chỉ biết gật đầu lia lịa. Tôi còn tưởng cô bé sẽ giống như mấy đứa con gái cùng lớp, trêu tôi có cái gấu quần cũng để bị bẩn.

Ra tới nhà xe, vừa đưa trả áo mưa cho Hạ Quyên là tôi đạp vội xe đi. Trời vẫn mưa không ngừng nhưng không hiểu sao tôi không cảm thấy lạnh nữa, chỉ thấy ấm áp trong lòng, và con đường về nhà chưa bao giờ dễ đi đến thế.

Tháng 2.

Gần ngày Valentine, Lâm lùng sục khắp nơi quà để tỏ tình với Hạ Quyên. Nó nhờ tôi cố vấn cho đủ kiểu. Bọn con gái tôi quen đều hào hứng và bàn tán sôi nổi về ngày lễ này, chỉ có duy nhất hai đứa con gái là cái Phương và Hạnh là không thấy đề cập gì. Tôi chú ý ngay bởi hai cái đứa nhiều chuyện số một này mà không nhắc gì tới ngày đấy thì hẳn là có chuyện gì đáng ngờ đây. Rồi tôi cũng nghe ngóng được qua cuộc điện thoại của cái Phương với Hạnh. Hai đứa bảo nhau cứ để mặc không khí ngày Valentine đi vì sẽ không có ai tặng quà đâu.

Đêm đó, tôi nằm suy nghĩ mông lung. Nghe giọng em gái tôi có vẻ hơi buồn. Tôi vẫn luôn coi nó là đứa trẻ con, bình thường nó ngang ngạnh hay cãi lại tôi nên tôi thấy nó giống em trai mình hơn. Nhưng có những ngày lễ như thế này, tôi mới thấy nó dù ương bướng đến mấy cũng vẫn là một đứa con gái. Sáng hôm sau, trời vừa sáng là tôi lôi ống heo tiết kiệm ra đếm thử. Tiền mừng tuổi từ tết và cả tiền tiêu vặt mẹ cho, cũng không phải là ít. Tôi quyết định mua quà cho em gái mình.

Lâm còn bận rộn thăm dò món quà mơ ước của Hạ Quyên nên cuối tuần duy nhất trước Valentine, tôi phải tự đi tìm quà một mình. Nghe bọn con gái hay rủ rỉ nhau về khu Khương Thương gần trường Y có rất nhiều đồ đẹp mà rẻ, tôi đạp xe lên. Một đứa con trai như tôi có vẻ lạc lõng giữa dòng người hăng hái chọn quà, gói quà trong cửa hàng. Đang bị kẹt cứng trong đám người thì tôi thấy có một ngón tay gõ nhẹ lên vai mình. Quay lại, tôi ngạc nhiên. Là Hạ Quyên. Cô bé hỏi tôi:

- Cậu đi mua quà cho ai à?

- Ừ, thế còn cậu?

Mọi người vẫn chen lấn, xen vào giữa chúng tôi. Không nghe thấy tiếng trả lời của Hạ Quyên, tôi bất giác kéo mạnh cánh tay cô bé về phía mình.

- Mình cũng đi mua quà sinh nhật bạn?

- Tớ mua quà Valentine cho em gái.

Thấy Hạ Quyên có vẻ không hiểu, tôi vội giải thích:

- Mình sợ em mình không có ai tặng quà mà những đứa con gái khác lại nhận được.


Hạ Quyên bụm miệng cười. Cô bé hồn nhiên nói:

- Thế cậu đã chọn được chưa?

- Vẫn chưa. Tôi đột nhiên nảy ra ý định nhờ Hạ Quyên chọn giúp. Dù sao cùng là con gái có lẽ sẽ hiểu nhau hơn.

- Cậu chọn giúp mình được chứ?

Hạ Quyên vui vẻ gật đầu. Cô bé tận tình chỉ cho tôi nên mua cái này, nên mua cái kia. Cuối cùng tôi quyết định mua cho Phương một cái cốc có rất nhiều họa tiết trang trí. Lúc ra thanh toán tiền, tôi nhìn vào tủ kính sau lưng chị bán hàng rồi chợt nói:

- Chị ơi, cho em xem nhờ cái khung ảnh kia?

Hạ Quyên ngó thứ tôi hỏi xem, hỏi dò:

- Cậu định mua cho ai nữa à?

- Ừ, cho đứa bạn thân của em gái mình.

- Thế chọn cái màu hồng kia kìa, nhìn đẹp hơn.

Tôi lắc đầu:

- Nhưng nó không thích màu hồng đâu.

- Thế thì chọn cái bằng thủy tinh ấy. Hạ Quyên nhiệt tình tư vấn.

- Nó hậu đậu lắm, chọn cái bằng nhựa có làm rơi cũng không vỡ được.

Hạ Quyên mỉm cười:

- Cậu chu đáo thật đấy.

Trả tiền xong, vẫn còn thừa lại một ít, tôi quyết định mời Hạ Quyên một cốc chè thay cho lời cảm ơn. Đang ngồi ăn cạnh nhau ở một quán vỉa hè, tôi chợt thấy có cái gì đó rớt xuống làm ướt vai áo mình. Trời lại bắt đầu mưa. Tôi với cô bé này, cứ lúc nào gặp nhau là trời lại phải mưa hay sao ấy. Tôi và Hạ Quyên vội chạy vào chỗ có ô ngồi. Thật ra tôi thầm cảm ơn ông trời vì nhờ có mưa mà tôi được ở cạnh Hạ Quyên lâu hơn chút nữa. Đang ăn, cô bé hỏi tôi:

- Thế cậu không mua quà cho người cậu thích à?

- À, mình không thích ai cả. Tôi nói dối trơn tuột.

Đúng Valentine, tôi sang trường cái Phương rồi nhờ một đứa lớp dưới mang hộ quà lên đưa cho nó và Hạnh, nhưng nhất định phải đưa vào lúc hai đứa không ở cùng nhau. Cái Phương không giấu nổi niềm vui khi về nhà. Tôi thấy nó cứ cầm cái hộp, nhìn ngắm mãi, tự cười một mình rồi đóng cửa phòng lại để mở ra. Nhìn thấy nó vui tự dưng tôi cũng thấy như mình được vui lây.

Kế hoạch tỏ tình ngày Valentine của Lâm hình như không như nó muốn. Sang ngày 15/02, nó thất thểu bảo tôi:

- Hạ Quyên hình như không thích tao mày à. Tao đưa quà mà nhận rồi không nói gì nữa.

Tôi giảng giải cho thằng Lâm nghe là phải bình tĩnh chờ đợi. Cá nhân tôi cũng không hiểu được hành động của Hạ Quyên nghĩa là chấp nhận hay không chấp nhận tình cảm của Lâm. Cô bé gặp nó vẫn cười, vẫn nói chuyện, nhưng tuyệt nhiên không nhắc gì tới bông hoa hồng và chú gấu bông ôm hình trái tim kia. Lâm nghĩ Hạ Quyên muốn giữ thể hiện cho mình nên cũng đành lời đi. Tâm tư con gái thật khó hiểu, thế mà chẳng hiểu sao tôi vẫn cảm thấy những cô bé như Hạ Quyên đáng yêu đến kì lạ.

Tháng 4, chúng tôi rục rịch chuẩn bị cho ôn thi thì tôi nghe được hai tin có thể coi là sét đánh ngang tai. Một là cái Hạnh chuẩn bị theo gia đình vào Sài Gòn vì bố nó chuyển cơ quan. Tin thứ nhất này có tác động mạnh đến tinh thần của em gái tôi. Còn tin thứ hai còn khủng khiếp hơn vì tôi biết là Hạ Quyên sắp đi du học. Thằng Lâm buồn, nó thể hiện nỗi buồn ra mặt. Còn tôi, cũng buồn nhưng giấu vào trong. Làm sao tôi yêu thầm mà dám thể hiện ra ngoài mặt nỗi buồn của mình được.

Tôi và Lâm giờ ra chơi vẫn hay ra đứng ở hành lang nói chuyện với Hạ Quyên. Cô bé hào hứng kể về những dự định sắp tới, khấp khởi nghĩ tới bầu trời nước Mĩ, còn tôi với thằng Lâm thì buồn quay quắt trong lòng.

Tháng 5, hoa phượng trong sân trường bắt đầu nở, báo hiệu một mùa hè lại sắp đến. Cái Hạnh mỗi ngày đều sang nhà tôi chơi với Phương. Nó bảo phải chơi bù vì sau này hai đứa sẽ ít có dịp được chơi với nhau hơn.

Nhìn chúng nó quấn quýt, tôi cũng muốn dành thêm nhiều thời gian rảnh chơi với hai đứa. Mỗi một ngày, khi cái Hạnh chào tạm biệt tôi và cái Phương ra về, tôi lại nhìn lên lịch, âm thầm đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa thì sẽ là lần chào tạm biệt cuối cùng. Lâm quyết định gặp Hạ Quyên ít hơn để khi cô bé đi thì không bị sốc quá.

Thế là mỗi giờ ra chơi nó cương quyết không đi ra ngoài, chỉ còn mình tôi vẫn ra hành lang đứng nói chuyện với Hạ Quyên. Có đôi lần tôi muốn hỏi Hạ Quyên cô bé đi du học liệu chúng tôi có giữ liên lạc được với nhau không, nhưng rồi tôi vẫn im lặng. Có lẽ vì tình bạn của chúng tôi quá trong sáng, tựa như pha lê đặt giữa ánh mặt trời, nên tôi không muốn biến nó thành cái gì đó nhiều hơn hay ít hơn chăng?

Ngày sinh nhật Bác Hồ, trường tôi tổ chức đại hội thể thao cho học sinh toàn trường. Lớp tôi tham gia kéo co, lại bốc thăm đúng lượt đấu với lớp Hạ Quyên. Mỗi đội 10 người, chẳng hiểu có phải ông trời run rủi không hay lớp 10A7 tính chơi chiêu mỹ nhân kế mà để cho Hạ Quyên đứng đầu. Bên lớp tôi đùn đẩy nhau một lúc cuối cuối cùng tôi phải đứng đầu vì bọn còn lại không ai muốn “đứng mũi chịu sào” cả. Hai lớp kéo co ngang tài ngang sức, mãi mà chưa phân thắng bại. Nhưng khi nhìn thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán Hạ Quyên, thấy cô bé cố nghiến răng giữ dây thừng, tôi đột nhiên lơ đễnh mà buông lỏng tay ra, thế là lớp tôi bị thua. Sau đó tôi bị cả lớp mắng cho té tát nhưng tôi cũng chẳng bận lòng. Nhìn thấy Hạ Quyên vui thì tôi cũng vui. Đúng là lúc đó, niềm vui đối với tôi đơn giản lắm.

Tháng 6.

Các bài thi đều đã hoàn thành, chỉ còn một tuần nữa là chúng tôi chính thức được nghỉ hè. Một ngày, Lâm ra vỗ vai tôi nói:

- Chiều nay Hạ Quyên làm tiệc chia tay, 4 giờ ở lớp kia nhé.

Tôi dành buổi trưa đi chuẩn bị một món quà cho Hạ Quyên. Tôi mua tặng cô bé một cuốn sách dày, và ở trang cuối cùng của cuốn sách, tôi dồn hết sự can đảm để viết ba từ quan trọng nhất: “Tớ thích cậu”.

Nếu Hạ Quyên đọc cuốn sách này kiên trì thì sau một thời gian sẽ biết được tình cảm của tôi. Đúng 4 giờ, tôi tới lớp bên cạnh thì thấy không có ai ngoài Hạ Quyên cả. Cô bé đứng tựa nhẹ vào một chiếc bàn, và khi nhìn thấy tôi thì điềm tĩnh bước đến, tôi hỏi:

- Lâm bảo là hôm nay cậu muốn chào tạm biệt bọn mình. Lâm chưa đến à?

Hạ Quyên lắc nhẹ đầu, đôi mắt cô bé vẫn nhìn chằm chằm vào tôi. Hơi ngại ngùng, tôi đứng lại gần cạnh Hạ Quyên rồi nói:

- Chắc nó lại đến muộn rồi. Thôi mình chờ nó tí vậy.

Chiều muộn, ánh hoàng hôn tím ngắt buông nhẹ xuống sân trường, hoa phượng vẫn nở rực rỡ ngoài sân, cái màu đỏ của từng chùm phượng vĩ hòa lẫn vào màu tím ngăn ngắt của buổi chiều tà càng làm cho tôi thấy nỗi buồn mang mác hiện hữu rõ hơn. Lâm không đến, tôi và Hạ Quyên thì cùng đứng im lặng bên cạnh nhau. Chẳng ai nói với ai câu nào, ánh mắt thả vào sân trường thưa người. Tôi không biết cô bé cạnh tôi đang nghĩ gì. Nhưng tôi biết có lẽ đã đến lúc tôi phải tạm biệt cô ấy, rung động đầu tiên trong đời của tôi.

- Mình có chuyện này muốn nói với cậu. Hạ Quyên bỗng nhiên phá vỡ sự im lặng giữa hai chúng tôi.

- Ừ.

- Thật ra, mình… mình nghĩ là mình thích cậu.

Tôi giật người cái thót. Có phải là Hạ Quyên đang nói là cô bé thích tôi không? Tôi theo phản xạ liền hỏi:

- Tại sao cậu lại nói vậy?

Hạ Quyên quay lưng lại phía tôi, ngồi hẳn lên một chiếc bàn rồi giải thích:

- Lúc đầu mình quý Lâm hơn vì những bức thư cậu ấy viết cho mình. Nhưng khi tiếp xúc nhiều với Lâm, mình lại có cảm giác cậu ấy và người viết thư cho mình là hai người khác nhau. Mình đã hỏi và Lâm đã cho mình biết cậu mới thực sự là người đã viết những bức thư cho mình. Chính Lâm đã từ chối đến hôm nay để mình có thể gặp riêng cậu.

Tôi thấy tim mình đập nhanh, và tai tôi như ù đi. Hạ Quyên không để lãng phí thêm một khoảng lặng nào giữa hai chúng tôi nữa. Cô bé hỏi:

- Khoa, cậu có thích mình không?

Lẽ ra tôi đã nói có, lẽ ra tôi phải nói, nên nói có vì đúng là như thế. Vì đúng là tôi đã thích Hạ Quyên từ ngày đầu tiên cô bé mặc chiếc áo mưa vàng đứng đọc truyện dưới ánh đèn mờ mờ ở mái hiên. Nhưng rồi có thứ gì đó chèn chẹn ở cổ họng tôi, có lẽ đó là nụ cười hạnh phúc của thằng Lâm mỗi lần nó kể với tôi về Hạ Quyên, tôi đã không nói thật với Hạ Quyên:

- Mình cũng không biết.

- Thích là thích. Không thích là không thích. Sao lại không biết?


Tôi im lặng trước cái lí lẽ của Hạ Quyên. Có lẽ cô bé đang cảm thấy rất thất vọng với tôi, nhưng vẫn cố kiềm chế những giọt nước mắt nơi khóe mi, thở dài một cái rồi nói nhỏ:

- Thôi mình không ép cậu trả lời nữa.

Tôi len lén nhìn Hạ Quyên, trong lòng tôi cũng cảm thấy rất bức bối, tôi muốn nói với cô bé là tôi thích cô bé biết bao. Nhưng rõ ràng là tôi sợ mình sẽ làm Lâm buồn. Nó là bạn của tôi và tôi nghĩ nó sẽ rất buồn nếu biết thằng bạn thân nhất và cô bé nó thích lại đang thích nhau. Bình thường nó có vẻ hay khôn lỏi nhưng hôm nay nó lại chịu hi sinh cho tôi gặp Hạ Quyên, đúng là một hành động cao cả. Hạ Quyên đặt nhẹ tay lên vai tôi nói:

- Mình về đây. Tạm biệt Khoa nhé.

Rồi cô bé đi, tôi nhắm mắt lại, lặng lẽ đếm theo từng tiếc bước chân của cô cho tới khi tiếng bước chân nhỏ dần, nhỏ dần rồi tôi không còn nghe thấy gì nữa. Sân trường vắng lặng như tờ, dường như chỉ còn mình tôi với nỗi niềm chất chứa trong lòng. Những lần Lâm cướp công tôi trước mặt Hạ Quyên tôi cũng buồn, những lần Hạ Quyên cười với đứa con trai khác tôi cũng buồn nhưng lần này có lẽ là buồn nhất thật. Có lẽ tôi bị thất tình thật. Cái khung cảnh nắng nhuộm đỏ cả một khoảng trời càng làm cho lòng tôi buồn tê tái.

Về tới nhà, tôi lôi cuốn sách trong cặp ra cất lên giá sách. Tôi cất vào sâu trong cùng, rồi lại xếp rất nhiều sách che phía ngoài để mình không tình cờ nhìn thấy cuốn sách đó nữa. Vì cứ mỗi lần nhìn thấy, tôi lại nhớ tới Hạ Quyên.

Ngày hôm sau, được nghỉ học vì là cuối tuần, Lâm chạy sang nhà rủ tôi đi đá bóng. Trên sân, nó kể nhiều chuyện vui cho tôi, còn tôi, chẳng còn lòng dạ nào để nghe cả. Về đến nhà, tôi chui vào nhà tắm đứng một lúc dưới vòi hoa sen. Người vẫn còn mồ hôi mà đã đi tắm nên tôi bị cảm nặng. Tôi nằm bẹp dí ở nhà mất một tuần. Mấy hôm sau tôi vẫn còn yếu thì nhận được tin Hạ Quyên đã bay sang Mĩ rồi từ Lâm. Qua điện thoại, tôi bằng cái giọng thiều thào của mình an ủi Lâm đừng buồn trong khi trong lòng cũng buồn bã chẳng kém. Vừa buông ống nghe điện thoại xuống, tôi mệt quá nên ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn tôi lại nhìn thấy hình ảnh cô bé mặc áo mưa vàng đứng đọc truyện tranh, rồi hình ảnh ấy cứ mờ dần, mờ dần.

Hạ Quyên bay rồi thì lại đến lượt cái Hạnh cũng vào Nam nốt. Khi biết chỉ còn 1 tuần nữa là nhà Hạnh chuyển đi, mẹ tôi và cái Phương liền bàn nhau nấu một bữa cơm toàn những món Hạnh thích và mời cả bố mẹ nó sang ăn, gọi là liên hoan chia tay. Cái Hạnh mang sang cho cái Phương một thùng giấy nhỏ đựng rất nhiều đồ. Tôi ngó thấy toàn là mấy thứ đồ của Hạnh mà cái Phương khá thích : mấy quyển truyện cổ tích, con búp bê mặc váy hoa, bộ hộp nặn nhiều màu. Nó giải thích là chuyển nhà nên phải bỏ lại những thứ không cần thiết. Trong lúc cái Phương đang xếp những thứ Hạnh cho vào tủ, nó chạy sang phòng tôi, ngồi lên cái ghế gần bàn học của tôi rồi hỏi:

- Anh Khoa, em sắp đi rồi đó.

- Ừ.

- Nhưng mà anh đừng buồn, em sẽ quay lại.

Tôi cười trừ cho cái sự ngây thơ của Hạnh. Sài Gòn và Hà Nội, nói gần thì không đúng, nói xa cũng chẳng phải xa lắm. Chỉ mất hơn một tiếng ngồi máy bay hay một ngày ngồi tàu hỏa là đến rồi, nhưng vào Nam rồi, có khi nào cái Hạnh còn nhớ tới anh em tôi. Thấy nét mặt tôi buồn thiu, Hạnh lắc lắc khủy tay của tôi, cười nói:

- Anh Khoa, nếu sau này lớn lên em mà xinh đẹp tài giỏi anh có thích em không ?

Tôi hơi bất ngờ vì câu hỏi của cái Hạnh. Hỏi được câu này xem ra nó cũng bạo dạn quá. Mà những cô bé xung quanh tôi hình như đều rất thẳng thắn, từ cái Phương toàn nói những lời làm mất lòng tôi, tới Hạ Quyên tự thú nhận có tình cảm với tôi, bây giờ lại là cái Hạnh. Bây giờ là cái thời đại gì thế này, mấy cô bé e thẹn ngại ngùng trốn ở đâu mà sao cuộc đời tôi chẳng gặp ai thế. Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi của Hạnh. Tôi nhìn nó, tròn tròn bụ bẫm từ lần đầu tiên em gái tôi dần nó qua nhà tôi ăn chè xoài, tôi không hình dung được nó có thể trở nên xinh đẹp như thế nào. Cái đứa tập đi xe đạp mãi không xong, lại hậu đậu hay va vào chỗ này chỗ kia, tôi cũng chẳng nghĩ sẽ có ngày Hạnh trở nên tài giỏi như những cô gái khác. Nhưng dù sao Hạnh cũng sắp đi rồi, không muốn làm con bé buồn, tôi gật đầu:

- Ừ có.
Hạnh tủm tỉm cười, nó leo xuống ghế rồi nhảy chân sáo ra khỏi phòng tôi. Thứ 6, buổi chiều tôi đi học về thấy cái Phương ngồi một góc trong phòng, mắt đỏ hoe mới nhớ ra trưa nay nhà cái Hạnh đã bay rồi. Tôi an ủi nó vài câu nhưng thấy nó vẫn buồn, tôi liền bảo:

- Thôi lên phòng anh ngồi, hai anh em làm một ván cờ cho đỡ buồn vậy.

Mặc dù tôi được đi học cờ vua trước cái Phương nhưng nó lại có năng khiếu đặc biệt hơn tôi. Ngày thường nó rất hay rủ tôi chơi cờ vì lúc nào tôi cũng chơi thua nó. Hôm nay thấy nó buồn như vậy tôi đành hi sinh thân mình chơi cờ cho em gái tôi vui lên vậy. Lúc đang loay hoay tìm xem bàn cờ ở đâu, đập ngay vào mắt tôi là một cái khung ảnh đặt nằm ngang trên giá sách. Đó là cái khung ảnh tôi đã mua tặng Hạnh hồi trước. Trong khung có một tấm ảnh tôi chụp chung với Hạnh hồi gia đình nó sang chúc Tết gia đình tôi.

- Sao cái khung ảnh của Hạnh lại ở đây nhỉ?

Cái Phương có vẻ như biết trước chuyện, nó nói:

- Trưa nay trước khi ra sân bay Hạnh chạy qua đây chào em, nó bảo cho nó lên phòng anh một tí. Chắc nó để lại đó.

Có vật gì đó ở đằng sau, tôi quay ngược khung ảnh lại. Là một mảnh giấy nhỏ dán vào phía sau. Trên đó chỉ có vẻn vẹn vài chữ:

- Giữ hộ em nhé. Em sẽ quay lại lấy.

Tôi đưa mảnh giấy cho cái Phương xem:

- Hạnh nói là sẽ quay lại lấy sau.

Cái Phương đọc mảnh giấy từ tay tôi, nói rồi nó vừa bước chân ra khỏi phòng vừa phán một câu xanh rờn:


- Anh đúng là đồ ngốc.

Chiều chủ nhật, Lâm sang nhà tủ tôi đi đá bóng nhưng kế hoạch đổ bể vì trời lại mưa tầm tã. Theo lệnh của mẹ tôi, hai đứa leo lên sân thượng rút quần áo. Thấy tôi chẳng có vẻ gì hào hứng với mấy câu chuyện nó kể, Lâm hỏi:

- Sao vậy? Mày lại nhớ ai à?

Tôi chẳng đáp lại câu trả lời của nó, nhìn trời mưa và cứ nghĩ hoài về hai cuộc chia tay xảy ra gần đây với tôi. Hình như tôi cũng có nhớ một ai đó, nhưng người đã đi rồi, nhớ nhung thì cũng có đưa người ta quay lại đâu.


Hai đứa đang tán dóc trên sân thượng thì cái Phương chạy lên, con bé từ dằng sau dí hai lon coca vào má tôi và Lâm, làm hai đứa kêu ré lên vì lạnh. Tôi hỏi:

- Mang lên có hai lon thì ai uống ai nhịn?

Cái Phương nhanh nhảu nói:

- Đương nhiên là em uống một lon còn hai anh chia nhau rồi.

Tôi lắc nhẹ đầu, bật cười. Lần nào cũng thế, cái Phương chỉ cầm được hai lon nên lúc nào tôi với Lâm cũng chia nhau. Rồi tôi với nó lại chí chóe xem đứa nào uống nhiều hơn đứa nào.


Có những năm tháng trôi đi, chúng tôi quên không để ý, mà nó đã thành kỉ niệm mất rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét